Kiến thức về các bệnh ngoài da, biểu hiện và cách phòng tránh các bệnh ngoài da.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Viêm da dầu

Viêm da dầu (seborrheic dermatitis) hay viêm da tiết bã, chàm da mỡ (seborrheic eczema) là tình trạng viêm da hay gặp, mạn tính, tái phát, vị trí chủ yếu ở mặt, đầu, ngực và vùng liên bả vai. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn.
Gàu (dandruff  hay pityriasis capitis-vảy phấn da đầu), một dạng viêm da dầu không viêm (uninflamed). Biểu hiện là những  vảy trắng mịn như cám, mức độ ít hoặc nhiều ở các vùng da đầu có tóc mà ai cũng có thể có.
     Nguyên nhân gây viêm da dầu chưa rõ. Bệnh có liên quan với sự phát triển của các loài nấm men Malassezia. Các chất chuyển hóa của nấm gây phản ứng viêm. Ngoài ra, sinh lý bệnh của viêm da dầu còn phụ thuộc vào chức năng của hàng rào bảo vệ da. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô thì bệnh hay gặp hơn.
Ở trẻ em, viêm da dầu hay gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, thương tổn tự mất đi khi trẻ 6-12 tháng. Viêm da dầu ở người lớn bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ ngày càng tăng ở người lớn, người già, nam giới nhiều hơn nữ giới. Một số yếu tố sau có liên quan tới tình trạng viêm da dầu:
- Da nhờn
- Tiền sử gia đình có người bị viêm da dầu hoặc vảy nến
- Suy giảm miễn dịch: cấy ghép cơ quan, nhiễm HIV. Đặc biệt ở người nhiễm HIV, viêm da dầu có thể là biểu hiện sớm của bệnh, với mức độ viêm nặng hơn so với người miễn dịch bình thường.
- Các rối loạn thần kinh, tâm thần: bệnh Parkinson, chậm phát triển, trầm cảm
Đặc điểm lâm sàng
     Viêm da dầu ở đầu ở trẻ em có tên gọi dân gian là “cứt trâu” - da đầu của trẻ có những mảng vảy da dày, dính, nhờn, lan tỏa, khó bong. Các trẻ em bị viêm da cơ địa nhũ nhi cũng hay có tình trạng viêm da dầu ở đầu với mức độ nặng. Một số trẻ sơ sinh có tình trạng viêm da dầu lan tỏa toàn thân, da đỏ, nhiều vảy tiết, vảy da vàng, dính, ẩm, nhờn. Trong trường hợp này bệnh có tên gọi là đỏ da toàn thân bong vảy Leiner-Moussou.
Ảnh 1. Viêm da dầu ở trẻ em, thương tổn mức độ trung bình ở da đầu
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da 
liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội)
Ảnh 2. Viêm da dầu mức độ nặng ở trẻ có viêm da cơ địa
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội)


.

.
Ảnh 3, 4, 5. Viêm da dầu lan tỏa toàn thân ở trẻ sơ sinh (hội chứng Leiner-Moussou)
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).
     Viêm da dầu ở người lớn hay gặp vùng da đầu, mặt (quanh mũi, sau tai, cung mày), nửa trên của thân mình (liên bả vai, ngực), bệnh có đặc điểm:
- Hay gặp và nặng lên vào mùa đông, cải thiện vào mùa hè.
- Ít khi ngứa
- Tình trạng da có nhờn và khô kết hợp
- Ở da đầu, cung mày có các dát đỏ, bong vảy da mỏng, khu trú hay lan tỏa
- Ở mặt, các mảng, dát màu đỏ, ranh giới không rõ, màu hồng cá hồi, ở nếp gấp, rãnh mũi má hai bên mặt, đối xứng, phía trên thường có vảy da trắng, mỏng, nhờn, dính.
- Ở ngực, lưng, rìa chân tóc thường có các bờ viền đỏ, gờ cao, hình nhẫn, hình tròn hoặc hình đa cung, có vảy da trắng.
- Các nếp gấp như nách, dưới vú, bẹn, sinh dục thường có các dát đỏ.
- Viêm nang lông ở ngực, phần trên thân mình.
     Viêm da dầu thường khu trú ở da đầu, mặt, lưng, ngực nhưng có thể lan rộng ra khắp cơ thể tạo nên hình thái dạng vảy nến.
Chẩn đoán
     Chẩn đoán viêm da dầu chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng. Ngoài ra có thể làm các xét nghiệm (soi trực tiếp, nuôi cấy) về sự có mặt của các loài Malassezia. Sinh thiết, mô bệnh học giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh vảy nến.


Ảnh 6, 7, 8, 9. Viêm da dầu vùng mặt
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).


Ảnh 10, 11. Viêm da dầu vùng đầu
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).


Ảnh 12. Viêm da dầu ở tai
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).


Ảnh 13. Viêm da dầu ở vùng liên bả vai
(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).


Ảnh 14, 15. Viêm da dầu ở ngực và lưng
 (Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).
Điều trị viêm da dầu
Điều trị chung
- Sử dụng các thuốc bong vảy tại chỗ để loại bỏ vảy da như acid salicylic, acid lactic, urea, propylen glycol.
- Các thuốc chống nấm tại chỗ như ketoconazol, ciclopirox dạng dầu gội đầu hoặc kem bôi. Vài chủng Malassezia kháng với thuốc chống nấm azol, có thể sử dụng kẽm pyrithion hoặc selenium sulphid thay thế.
- Corticosteroid loại nhẹ dùng tại chỗ từ 1-3 tuần để giảm viêm, giảm giai đoạn bùng phát bệnh.
- Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus): ít tác dụng phụ hơn corticosteroid khi sử dụng ở vùng mặt.
- Với các trường hợp bệnh nặng, kháng điều trị ở người lớn, có thể sử dụng itraconazol uống, tetracyclin, kháng sin, liệu pháp ánh sáng.
Điều trị viêm da dầu ở đầu
     Sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox, selenium sulfid, kẽm pyrithion, coal tar, acid salicylic 2 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng.
     Steroid cho vùng da đầu (dạng dung dịch, dạng gel) sử dụng hằng ngày trong vài ngày để giảm ngứa, giảm viêm.
     Kem tar bôi lên vùng nhiều vảy, sau vài giờ thì gội đầu.
Điều trị viêm da dầu ở mặt, tai, ngực, lưng
     Làm sạch bằng các dung dịch rửa không chứa xà phòng mỗi ngày 1-2 lần.
     Dùng kem ketoconazol hoặc ciclopirox ngày 1 lần trong 2-4 tuần, nhắc lại nếu cần thiết.
     Kem hydrocortison bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần. Có thể dùng steroid có hoạt lực mạnh hơn.
     Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus) thay thế cho corticosteroid.
Share:

Bệnh ghẻ

1. Đại cương về bệnh ghẻ
     Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
2. Dịch tễ bệnh ghẻ
     Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm KST ở da, gây nên bởi sự xâm nhập của một loài ký sinh bắt buộc ở lớp thượng bì có tên khoa học là Sarcoptes scabiei, xác định lần đầu vào những năm 1600 nhưng không được xem là nguyên nhân gây bệnh ở da cho tới những năm 1700. Ước tính, có khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm KST ghẻ. Tác giả Fuller năm 2013 cho rằng tỷ lệ mắc bệnh ghẻ rất khác nhau, giao động từ 2,71/1000 tới 46% và vẫn là một gánh nặng bệnh tật lớn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ghẻ ảnh hưởng tới mọi tầng lớp xã hội, trong đó trẻ em và phụ nữ dễ bị cảm nhiễm hơn. Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều hơn ở vùng thành thị, đặc biệt là các vùng đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè. Tỷ lệ mắc bệnh ghẻ đã tăng lên trong hai thập kỷ qua. Ở các nước phát triển, bệnh ghẻ vẫn là một trong những bệnh da liễu phổ biến, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, chi phí điều trị cao. Sự lan truyền ký sinh trùng chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ.
3. Bệnh nguyên và bệnh sinh
     Cái ghẻ có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0,3 mm, rất nhỏ nên khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng không thể bay hay nhảy được, chu kỳ sống khoảng 30 ngày, ở trong và trên thượng bì. Ghẻ cái đào luống ở lớp sừng trong vòng 20 phút và đẻ khoảng 3 trứng mỗi ngày. Sau 4 ngày thì trứng nở, cái ghẻ non di chuyển lên bề mặt da và trưởng thành ở đó. Sau hai tuần, ghẻ cái và ghẻ đực giao cấu với nhau, sau đó, ghẻ cái đào luống trong lớp sừng còn ghẻ đực-vốn có kích thước nhỏ hơn ghẻ cái-bị chết. Số lượng trung bình cái ghẻ trên vật chủ thường nhỏ hơn 20, trừ trường hợp ghẻ vảy có thể có tới hàng triệu cái ghẻ. Những người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV hoặc ở người già, ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao bị ghẻ vảy, mặc dầu vậy, đã có trường hợp người Úc bản xứ khỏe mạnh mắc ghẻ vảy.
4. Đặc điểm lâm sàng bệnh ghẻ
     Khi tiếp xúc lần đầu với cái ghẻ, triệu chứng ngứa và rát xuất hiện sau 6-8 tuần, khi đã tiếp xúc trước đó với cái ghẻ, các triệu chứng xuất hiện sớm hơn, trong vòng vài ngày do có sự mẫn cảm trước đó với cái ghẻ. Bệnh nhân ngứa rất dữ dội và tăng lên vào ban đêm. Thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sẩn đóng vảy, thường gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nấp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ. Đỏ da rải rác ở thân mình thể hiện một phản ứng tăng nhạy cảm với kháng nguyên của KST ghẻ. Đặc trưng của bệnh là các luống ghẻ có cấu trúc dạng sợi chỉ, mảnh, thẳng, dài 1-10 mm, hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trong lớp sừng. Các vị trí nhìn thấy luống ghẻ rõ nhất là các nếp gấp, cổ tay, khuỷu. Tuy nhiên khó có thể nhìn thấy chúng ở giai đoạn sớm của bệnh hoặc khi da bị trầy xước.
Ở trẻ em dưới 2 tuổi, da mặt và da đầu có thể bị bệnh, trong khi đó ở người lớn thì rất hiếm. Các sẩn cục ngứa, màu đỏ tới tím thường gặp ở vùng nách và thân mình (trẻ em), vùng bìu (người lớn), nguyên nhân cũng là do phản ứng quá mẫn đối với kháng nguyên của KST ghẻ. Các sẩn cục này vẫn tồn tại trong nhiều tuần sau khi cái ghẻ đã bị loại trừ. Mụn nước và bọng nước có thể xuất hiện, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Như vậy, các thương tổn cơ bản trong bệnh ghẻ thường là:
- Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
- Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
- Đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, rất đặc hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do ghẻ cái tạo thành dài, 3-5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chay ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.
- Trên da có thể có những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ.
- Triệu chứng cơ năng: người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.
Trong ghẻ vảy, các mảng dày sừng lan tỏa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo là sự dày lên và loạn dưỡng của các móng, khô các vùng da còn lại. Triệu chứng ngứa rất đa dạng và thậm chí là không ngứa. Có tới hàng triệu cái ghẻ ký sinh trên da và đây là nguồn lây bệnh lớn.
5. Chẩn đoán bệnh ghẻ
     Chẩn đoán bệnh ghẻ dựa vào tiêu chuẩn vàng là tìm thấy cái ghẻ. Các phương pháp tìm cái ghẻ thường được áp dụng trong thực hành lâm sàng là soi tìm dưới kính hiển vi, có thể thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ. Phương pháp khác mang tính chất in vivo là sử dụng dermoscopy. Ngoài ra, có thể sử dụng phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase trong đó DNA của KST ghẻ được tìm ra từ vảy da. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm thấy cái ghẻ và các sẩn phẩm của chúng. Vì vậy, chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng.
6. Điều trị bệnh ghẻ
          Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ với các mức độ hiệu quả khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn điều trị là độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của bệnh và tính hiệu quả của các phương pháp điều trị trước đó.
6.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.
- Bôi thuốc phải đúng cách.
- Giặt sạch, phôi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.
6.2. Các thuốc điều trị
          Ở người lớn, các thuốc diệt ghẻ tại chỗ nên sử dụng khắp bề mặt da, trừ vùng mặt và da đầu, và đặc biệt chú ý tới các vùng nếp kẽ, vùng sinh dục, quanh móng, sau tai. Ở trẻ em và những bệnh nhân ghẻ vảy, cần điều trị cả vùng mặt và da đầu. Bệnh nhân cần được tư vấn rằng, thậm chí khi đã điều trị đầy đủ, các dát và ngứa có thể kéo dài sau đó 4 tuần. Ngoài ra có thể sử dụng corticoid tại chỗ, kháng histamin và, nếu cần thiết là corticoid hệ thống để giảm ngứa và dát đỏ khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc diệt ghẻ.
Bảng 1.1. Tóm tắt các phương pháp điều trị ghẻ
ThuốcLiềuLưu ý
Kem permethrin 5%Bôi và lưu lại trên da 8-14 giờ, co thể nhắc lại sau 7 ngày.Lựa chọn điều trị đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Lindan 1% (lotion)Bôi và lưu lại trên da 8 giờ rồi tắm. Có thể nhắc lại sau 1 tuần.Không khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và
cho con bú.
Kem crotamiton 10%Dùng trong 2 ngày liên tục, nhắc lại 1 lần trong  vòng 5 ngày.Có hiệu quả chống ngứa.
Sulfur 5-10%
dạng sương
Sử dụng trong 3 ngày, sau đó tắm.An toàn cho trẻ em dưới 2 tháng, phụ nữ có thai và cho con bú, nhưng bằng chứng hiệu quả chưa cao.
Benzyl benzoat 10% (lotion)Bôi và lưu lại trên da 24 giờ, sau đó tắm.
Ivermectin, 200 µg/kgDùng liều duy nhất, có thể nhắc lại sau
10-14 ngày.
Hiệu quả cao và an toàn.

     Cho tới nay, ivermectin là thuốc uống duy nhất để điều trị bệnh ghẻ, có hiệu quả cao. Thuốc được tìm thấy lần đầu trong những năm 1970 trên môi trường nuôi cấy của một loài nấm actinomycete là Streptomyces avermitilis. Ivermectin có cấu trúc tương tự như kháng sinh nhóm macrolid nhưng không có hoạt tính kháng khuẩn. Cơ chế diệt ghẻ của thuốc là do ivermectin có ái lực cao với các ion chlorid ở hệ thần kinh ngoại vi của động vật không xương sống, chẹn các kênh dẫn truyền qua synap thần kinh. Kết quả làm cho KST tê liệt và chết. Đã có nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của ivermectin trong điều trị ghẻ. Một nghiên cứu cho thấy sử dụng liều đơn ivermectin có tỷ lệ khỏi bệnh là 70%; liều nhắc lại sau 2 tuần cho tỷ lệ khỏi tăng lên tới 95%.
     Ở Việt Nam, các thuốc điều trị ghẻ chủ yếu vẫn là dung dịch DEP, kem crotamiton, thuốc xịt Spregal (có thành phần là esdepaletrin và piperonyl butoxid). Ngoài ra, kháng histamin tại chỗ hoặc toàn thân, corticoid tại chỗ được dùng để chống ngứa, giảm các triệu chứng do cơ thể nhạy cảm với kháng nguyên của KST ghẻ như mụn nước, chàm hóa…Các phương pháp dân gian điều trị ghẻ như lá cây ba chạc đen tắm hoặc dầu hạt máu chó. Ngoài thuốc điều trị, vấn đề vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, cách ly, điều trị cho những người sống gần bị bệnh đóng vai trò quan trọng, quyết định kết quả điều trị bệnh ghẻ.
6.3. Phòng bệnh
- Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.
- Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.
Một số hình ảnh bệnh ghẻ
     
Ảnh 1, 2. Thương tổn mụn nước, mụn mủ của bệnh ghẻ ở lòng bàn tay, bàn chân em bé
     
Ảnh 3, 4. Hình ảnh luống ghẻ ở kẽ ngón tay của một em bé.

Ảnh 5. Nốt sẩn sau ghẻ ở vùng sinh dục, đặc hiệu cho bệnh ghẻ ở nam giới.
     

Ảnh 6, 7, 8. Ghẻ vảy ở bệnh nhân nữ có tiền sử bệnh lupus ban đỏ hệ thống, điều trị bằng corticoid toàn thân
Share:

LOÉT ÁP TƠ

1. Đại cương về loét áp tơ
1.1. Thuật ngữ
  Loét áp tơ có tên tiếng Anh là “aphthous”-xuất phát từ tiếng Hi Lạp nghĩa là loét (ulceration), y văn ngày nay thường dùng các thuật ngữ viêm miệng áp tơ tái diễn (recurrent aphthous stomatitis) để thể hiện tính chất lặp lại của bệnh. Bản thân thuật ngữ “aphhthous” đã có nghĩa là “loét” nhưng ở Việt Nam bệnh vẫn được gọi là loét áp tơ.
1.2. Đặc điểm dịch tễ
  Loét áp tơ là bệnh loét ở miệng thường gặp nhất, ảnh hưởng tới khoảng 30% dân số và hầu hết xuất hiện ở tuổi 30. Tỷ lệ bệnh giữa nam giới và nữ giới là tương đương nhưng có sự khác nhau theo chủng tộc và lứa tuổi. Người da trắng có xu hướng mắc bệnh cao hơn người da đen. Bệnh hay gặp ở người trẻ tuổi, trong đó một phần ba trẻ em dưới 18 từng có biểu hiện của bệnh. Tỷ lệ và mức độ nặng của bệnh giảm dần theo tuổi.
2. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của loét áp tơ
2.1. Đặc điểm lâm sàng
  Thương tổn là các viết loét hình tròn hoặc hình ovan, kích thước to nhỏ khác nhau, số lượng ít hoặc nhiều, xung quanh có quầng đỏ, đáy vết loét có màu vàng hoặc màu xám. Có thể gặp loét áp ở bất kỳ vị trí nào trong miệng, nhưng hay gặp nhất là nơi có sang chấn lặp đi lặp lại, ví dụ như niêm mạc môi dưới nơi răng nanh hay cắn vào, đầu lưỡi, phanh lưỡi. Các vết loét gây đau, khó chịu, ăn uống khó. Loét tái diễn lâu làm người bệnh sụt cân, lo lắng, giảm chất lượng cuộc sống.
  Theo kích thước, số lượng, thời gian lành vết loét, loét áp tơ được chia thành ba thể: loét áp tơ nhỏ (minor) chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 90-95%; loét áp tơ lớn (major) chiếm 5-10%; loét áp tơ dạng herpes chiếm 1-5%.
Bảng 2.1. Phân loại lâm sàng loét áp tơ
Thể bệnhĐặc điểmTỷ lệTiến triển
Loét áp tơ nhỏSố lượng một hoặc nhiều, kích thước dưới 5mm, loét nông. Vị trí thường gặp là bề mặt niêm mạc không sừng hóa như môi dưới, má, sàn miệng.90-95%Trong vòng 7-10 ngày sẽ lành, không để lại sẹo
Loét áp tơ lớnSố lượng một hoặc nhiều, kích thước từ 1-3cm, loét sâu. Vị trí hay gặp là môi, khẩu cái mềm, họng.5-10%Có thể diễn biến tới 6 tuần, khi lành thường để lại sẹo
Loét dạng herpesSố lượng 10-100, kích thước 1-3mm, loét nông1-5%Dưới 7 ngày
  Ảnh 1. Loét áp tơ nhỏ ở môi niêm mạc môi dưới và đầu lưỡiẢnh 2. Loét áp tơ lớn ở niêm mạc môi trên
Ảnh 3. Loét áp ở vị trí răng nanh cắn vào niêm mạc môi dưới.
Ảnh 4. U nang nhầy của môi (mucocele) ở vị trí giống với loét áp tơ
Ảnh 5. Viêm miệng do herpes ở trẻ em, có thương tổn lâm sàng giống loét áp tơ nhiều ổ.
Ảnh 6. Viêm miệng do herpes ở trẻ em, có thương tổn lâm sàng giống loét áp tơ nhiều ổ.
2.2. Đặc điểm mô bệnh học
  Loét áp tơ có hình ảnh mô bệnh học không đặc hiệu. Niêm mạc bị hoại tử nông ở bề mặt với màng fibrin bao phủ ổ loét. Lớp biểu mô có các bạch cầu lympho và bạch cầu trung tính xâm nhập. Ngay ở dưới ổ loét có xâm nhập dày đặc của các tế bào viêm mà chủ yếu là bạch cầu trung tính. Ở vùng ranh giới có nhiều bạch cầu đơn nhân.
3. Cơ chế bệnh sinh, các yếu tố liên quan tới loét áp tơ 
  Tuy là một bệnh loét miệng phổ biến nhưng căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của loét áp tơ vẫn chưa rõ ràng. Các yếu tố sau đây có thể góp phần vào cơ chế bệnh sinh của bệnh.
3.1. Yếu tố di truyền
  Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trong trong loét áp tơ. Khoảng 40% bệnh nhân có người trong gia đình bị loét áp tơ. Những người này thường khởi phát bệnh sớm hơn và mức độ bệnh nặng hơn. Có mối liên quan giữa các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) với bệnh. Ở những người loét áp tơ có sự tăng tuần suất các kháng nguyên HLA loại A2, A11, B12 và DR2. Mối liên quan này thay đổi theo nguồn gốc dân tộc và chủng tộc.
3.2. Chấn thương cơ học
  Các sang chấn của niêm mạc miệng do các yếu tố cơ học như tiêm tê, răng sắc nhọn, bàn chải đánh răng thô ráp hoặc các can thiệp nha khoa có thể gây khởi phát loét áp tơ.
3.3. Thuốc lá
  Vài nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan âm tính giữa hút hoặc hít khói thuốc lá với loét áp tơ. Nguyên nhân có thể do thuốc lá làm tăng quá trình sừng hóa niêm mạc, tạo ra hàng rào bảo vệ, ngăn cản chấn thương và vi trùng xâm nhập. Nicotin được xem là yếu tố bảo vệ vì nó kích thích sản xuất các steroid thượng thận bằng cách tác động lên vùng dưới đồi, gây giảm sản xuất yêu tố hoại tử u (TNF-α) và interleukin 1, interleukin 6. Vì vậy, liệu pháp thay thế nicotin được khuyến cáo cho những bệnh nhân loét áp tơ mà đã ngừng hút thuốc lá.
3.4. Các loại thuốc
  Có một số thuốc liên quan tới sự phát triển của loét áp tơ như thuốc ức chế men chuyển captopril, muối vàng, nicorandil, phenindion, phenobarbital và dung dịch hypochloride. Các thuốc chống viêm không steroid như axit propionic, diclofenac, và piroxicam có thể gây ra các vết loét miệng giống loét áp tơ.
3.5. Thiếu máu
  Sự thiếu hụt các yếu tố tạo máu như sắt, vitamin B12 và axit folic ở những người loét áp tơ cao gấp hai lần so với nhóm chứng, đặt ra giả thiết về mối liên quan giữa thiếu máu và loét áp tơ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng thiếu máu là do chế độ ăn uống kém khi bị loét.
3.6. Thay đổi nội tiết
  Mối liên quan giữa loét áp tơ và thay đổi nội tiết ở phụ nữ vẫn đang gây tranh cãi. Một số tác giả thấy rằng loét áp tơ thường xảy ra trong giai đoạn bắt đầu kinh nguyệt hoặc trong pha hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt. McCartan và cộng sự lại không thấy có mối liên quan của bệnh với bất kỳ thay đổi nội tiết nào của phụ nữ (sinh đẻ, tiền mãn kinh, mãn kinh).
3.7. Căng thẳng (stress)
  Sự căng thăng tinh thần từng được xem yếu tố căn nguyên cua loét áp tơ. Nó gián tiếp gây bệnh thông qua các hành động làm sang chấn mô mềm như cắn môi, cắn má. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy không có mối tương quan giữa mức độ căng thẳng với độ nặng của loét áp tơ. Vì vậy, căng thẳng tâm lý đóng vai trò làm vượng bệnh hơn là yếu tố căn nguyên trên những cá thể đã có sẵn cơ địa loét áp tơ.
3.8. Loét áp tơ và liên cầu
  Liên cầu trong miệng được xem là vi sinh vật liên quan trực tiếp tới bệnh sinh của loét áp tơ. Nó góp phần gây nên các vết loét đồng thời đóng vai trò là kháng nguyên, kích thích cơ thể sản xuất kháng thể. Những kháng thể này phản ứng chéo với niêm mạc miệng. Loài liên cầu tan huyết alpha gây loét áp tơ là Streptococcis sanguis (sau này được phân lập dưới tên Streptococcus mitis).
3.9. Loét áp tơ và Helicobacter pylori
  Helicobacter pylori từng được xem là yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của loét áp tơ. Vi khuẩn này có mặt trong các mảng bám răng. Tuy nhiên, vai trò của nó chưa rõ ràng. Năm 1997, Porter và cộng sự đo kháng thể IgG kháng H. pylori ở những bệnh nhân loét áp tơ. Kết quả cho thấy tần suất huyết thanh dương tính ở những bệnh này không khác biệt so với các rối loạn khác của niêm mạc miệng.
3.10. Virus
  Một số virus có thể tham gia vào cơ chế bệnh sinh của loét áp tơ như cytomegalovirus ở người, Epstein-barr virus.
3.11. Vai trò của TNF-α trong loét áp tơ
  Yếu tố hoại tử u (TNF-α) là cytokin tiền viêm liên quan tới sự hình thành các vết loét mới. Điều trị bằng các thuốc như thalidomid và pentoxifylin cho hiệu quả cao. Thalidomid giảm hoạt động của TNF-α qua tác động lên ARN thông tin. Pentoxifylin ức chế sản xuất TNF-α. Sự kích thích của kháng nguyên lên các tế bào sừng niêm mạc gây sản xuất các cytokin tiền viêm như interleukin 2, TNF-α. Đến lượt mình, TNF-α làm bộc lộ phức hợp hòa hợp mô lớp I. Kết quả là các tế bào niêm mạc trở thành đích tấn công của các lympho T gây độc tế bào (cytotoxic T cells)
4. Chẩn đoán
  Chẩn đoán loét áp tơ chủ yếu dựa vào lâm sàng và tiến triển của loét. Cần phân biệt loét áp tơ đơn thuần với loét miệng trong các bệnh lý hệ thống khác (bảng 4.1).
Bảng 4.1. Các bệnh lý hệ thống có loét miệng
BệnhĐặc điểm
Hội chứng BehcetCó biểu hiện ở nhiều cơ quan, các triệu chứng như loét miệng tái diễn, loét sinh dục, viêm màng bồ đào, các thương tổn da giống hồng ban nút, đau khớp, đau đầu, viêm màng não, thử nghiệm pathergy ở da dương tính
Hội chứng MagicCó loét áp tơ lớn kèm theo viêm sụn
PFAPASốt chu kỳ (Peridic Fever), loét áp tơ (Apthae), viêm họng (Pharyngitis), viêm hạch cổ (cervical Adenitis). Bệnh gặp ở trẻ em
Hội chứng SweetCác triệu chứng: sốt, tăng bạch cầu trung tính ở máu ngoại vi, các thương tổn da: mảng, nốt màu đỏ, mụn mủ, mụn nước. Mô bệnh học: xâm nhập dày đặc bạch cầu trung tính ở trung bì.
Thiếu bạch cầu trung tính có chu kỳ (cyclic neutropenia)Giảm bạch cầu trung tính trong máu có tính chu kỳ. Triệu chứng: loét miệng, áp xe ở da, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, hạch ngoại vi to.
HIVCó loét miệng giống loét áp tơ
Thiếu máuThiếu các yếu tố tạo máu như axit folic, vitamin B12. Khi bổ sung các yếu tố này thì loét áp tơ giảm.
Các bệnh đường tiêu hóa: bệnh Celiac hoặc tăng nhạy cảm với gluten, bệnh CrohnCác triệu chứng khác kèm theo loét miệng như đau bụng, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm lưỡi, thiếu máu... Một số nghiên cứu cho thấy loét áp tơ giảm khi ăn chế độ giảm gluten.
Natah và cộng sự đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán loét áp tơ nhỏ, bao gôm 4 tiêu chuẩn chính và 10 tiêu chuẩn phụ. Chẩn đoán loét áp tơ nhỏ khi có 4 tiêu chuẩn chính và 1 tiêu chuẩn phụ (bảng 4.2).
Tiêu chuẩnMô tả
Tiêu chuẩn chính
-Đặc điểm lâm sàngMột hoặc nhiều loét hình tròn hoặc ovan, loét nông, bờ rõ, đáy màu vàng hoặc xám, có quầng đỏ bao quanh, kích thước dưới 1cm. Không có mụn nước xuất hiện trước loét.
-Sự tái phátÍt nhất là 3 đợt trong vòng 3 năm qua, loét mới không xuất hiện trên nền loét cũ.
-Tăng cảm giác đau cơ họcThương tổn đau hơn khi có sự chuyển động của niêm mạc vùng đó.
-Khả năng tự lànhLoét có thể tự lành, không để lại di chứng
Tiêu chuẩn phụ
-Tiền sử gia đìnhCó người bị loét áp tơ
-Tuổi khởi phátXuất hiện loét áp lần đầu dưới 40 tuổi.
-Vị trí thương tổnVùng niêm mạc miệng không sừng hóa.
-Thời gian tiến triểnVài ngày tới vài tuần.
-Chu kỳ tái phátKhông đều đặn.
-Mô bệnh họcKhông đặc hiệu.
-Các yếu tố làm vượng bệnhThay đổi hormon, thức ăn, thuốc, căng thẳng, chấn thương, nhiễm khuẩn.
-Biểu hiện thiếu máuThiếu máu thiếu sắt, vitamin B12, kẽm.
-Mối quan hệ âm tính với hút thuốc láLoét áp xuất hiện ở những người không hút thuốc hoặc sau khi bỏ hút thuốc.
-Điều trị thử với corticoidĐáp ứng tốt với corticoid tại chỗ hoặc toàn thân.
5.Điều trị loét áp tơ
Căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của loét áp tơ chưa rõ ràng cho nên mục đích điều trị là giảm triệu chứng và ngăn ngừa các yếu tố khởi phát hoặc làm nặng bệnh. Các thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân được tóm tắt qua bảng 5.1.
Bảng 5.1.Điều trị loét áp tơ
Thuốc, liệu phápChế phẩm, cách dùngHiệu quả điều trị
Thuốc kháng vi sinh vật (antimicrobials)
Chlorhexidin
Triclosan
Tetracylin
Pennicillin G
Dưới dạng dung dịch hoặc gel.
Tetracylin 5% được dùng như thuốc làm sạch miệng. Penicillin G 50mg, 4 lần/ngày trong 4 ngày.
Chống viêm, chống vi trùng, làm sạch niêm mạc.
Giảm thời gian loét, giảm đau, mau lành thương tổn.
Steroid
Tại chỗ
Toàn thân
Dạng mỡ, kem, thuốc súc miệng của triamcinolon, betamethhasonGiảm triệu chứng, hàn gắn sớm thương tổn
Các thuốc điều hòa miễn dịch
Thalidomid100mg/ngày đường uốngỨc chế hoạt động của TNF-α , giảm số lượng ổ loét.
Pentoxifyllin400mg ngày 3 lầnỨc chế sản xuất TNF-α
Colchicin0,5-1,5mg/ngày, có thể dùng kéo dàiGiảm ngưng tập bạch cầu trung tính, giảm hóa ứng động bạch cầu.
Dapson50-100mg/ngàyỨc chế TNF-α , giảm hóa ứng động và bộc lộ phân tử kết dính.
Cimetidin400-600mg/ngàyVai trò điều biến miễn dịch, cơ chế chưa rõ ràng.
Các thuốc kháng viêm
BenzydaminDung dịch súc miệngGiảm đau, giảm loét, làm lành ổ loét nhanh.
AmlexanoxGel bôi amlexanox 5%
Tăng cường hàng rào bảo vệ
Axit hyaluronicHyaluran gel 0,2%Bảo vệ niêm mạc
Liệu pháp vật lý: phẫu thuật, laser bóc tách, sóng siêu âm...
Giảm các yếu tố nguy cơ từ thức ăn, kem đánh răng, căng thẳng tâm lý, bổ sung vitamin B12, nicotin,...
Share:

Viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn

Viêm da cơ địa là một bệnh da hay gặp với các biểu hiện lâm sàng thay đổi theo lứa tuổi. Ở trẻ nhũ nhi (bú mẹ) là các đám mụn nước, sẩn trên nền da đỏ, ranh giới không rõ, rỉ dịch, đóng vảy tiết, vị trí hay gặp là mặt và các mặt duỗi của các chi. Ở trẻ lớn (3-12 tuổi) và người lớn, thương tổn điển hình là khô da, dày da lichen hóa ở các nếp gấp. Để chẩn đoán viêm da cơ địa có thể áp dụng tiêu chuẩn của Hannifin và Rajka, trong đó có 4 tiêu chuẩn chính là: 1. Ngứa; 2. Viêm da mạn tính và tái phát; 3. Vị trí và thương tổn da điển hình như đã mô tả ở trên; 4. Tiền sử bản thân và gia đình có các bệnh cơ địa (viêm mũi dị ứng, mày đay, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, …), và nhiều tiêu chuẩn phụ khác. Viêm da cơ địa thường khởi phát từ tuổi nhũ nhi, trẻ nhỏ, thiếu niên (trước 18 tuổi), một số sẽ lành, một số khác sẽ tiếp diễn thành viêm da cơ địa người lớn. Thực tế, có nhiều người bệnh khởi phát viêm da mạn tính sau tuổi 18. Một số nghiên cứu ở Singapor, Úc, Nigeria cho thấy có 13,6%; 9% và 24,4% (tương ứng) bệnh nhân viêm da cơ địa khởi phát bệnh sau 18 tuổi. Thuật ngữ viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn được đề xuất bởi Bannister và Freeman từ Úc. Tuy nhiên, các bác sỹ da liễu thường dè dặt khi đặt ra chẩn đoán này vì đó là khái niệm chưa được chấp nhận rộng rãi.
     Viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn có hình thái lâm sàng khác với viêm da cơ địa điển hình khởi phát sớm. Các tình trạng bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, chàm bàn tay, bàn chân, u lympho ở da, vảy nến cần được loại trừ trước khi chẩn đoán viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn. Các yếu tố vật lý, môi trường tác động tới người lớn khác với những gì ở trẻ em nên hình thái của viêm da cơ địa ở hai nhóm tuổi khác nhau. Các hình thái gặp trong viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn là các thương tổn giống chàm đồng xu, giống sẩn cục, giống viêm da dầu và viêm nang lông, viêm da tiếp xúc dị ứng. Ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, các biểu hiện hay gặp là da mặt đỏ, dày da lichen hóa ở thân mình, viêm da bán cấp hoặc viêm da dạng vảy nến. Ở người già (trên 65 tuổi) có biểu hiện tương tự nhưng hay gặp hình thái đỏ da toàn thân, ít gặp dày da lichen hóa ở các nếp gấp. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm da, dày da, đỏ da, bong vảy, ngứa chủ yếu ở các vùng hở (mặt, ngực, vai, mặt ngoài chi trên). Trong trường hợp này, các bác sỹ thường chẩn đoán là viêm da tiếp xúc dị ứng (với chất hơi) hơn là viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn. Xét nghiệm áp da với các dị nguyên nghi ngờ giúp chẩn đoán hai bệnh này. Tuy nhiên, viêm da cơ địa là điều kiện thuận lợi, trực tiếp cho viêm da tiếp xúc dị ứng nên không dễ phân biệt rõ ràng hai bệnh, hai tình trạng.
     Một số nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá chủ động và bị động là yếu tố nguy cơ quan trọng của viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn. Các yếu tố tiên lượng viêm da cơ địa này kéo dài nhiều năm là thương tổn chàm ở đầu và cổ, nồng độ IgE huyết thanh cao, chàm dai dẳng.
     Điều trị viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn cơ bản giống điều trị viêm da cơ địa điển hình. Nhưng ở người lớn có vòng xoắn tâm lý-thần kinh-miễn dịch tác động lẫn nhau nên ngoài thuốc điều trị, người bệnh cần được tư vấn tâm lý, giảm các yếu tố stress, căng thẳng, bỏ hút thuốc.
Các thuốc tại chỗ
     - Corticoid: chú ý chọn loại có hoạt độ phù hợp cho các vùng da khác nhau, cần có sự kiểm soát để tránh các tác dụng phụ (đỏ da, giãn mạch, rạn da, teo da, nấm da, trứng cá)
     - Tacrolimus: có tác dụng điều trị duy trì, tránh bệnh tái phát, có thể sử dụng trong thời gian dài.
     - Kem dưỡng ẩm: cần được duy trì thường xuyên để tránh bệnh tái phát, hồi phục hàng rào bảo vệ cho da.
     - Dẫn xuất từ than đá (tar) cũng được sử dụng, cơ chế tác dụng của nó là ức chế các tế bào tiền viêm cũng như sự bộc lộ của các phân tử kết dính. Sử dụng tar giúp rút ngắn thời gian dùng corticoid tại chỗ. Tác dụng phụ của nó là gây nhớt, bí da, viêm da kích ứng, viêm nang lông.
Các thuốc toàn thân
     - Thuốc toàn thân hàng đầu cho viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn là cyclosporin A.
     - Corticoid toàn thân chỉ dùng khi bệnh nặng, dùng ngắn ngày, tránh lạm dụng.
     - Các thuốc ưc chế miễn dịch khác như azathioprin, methotrexat, mycophenolat mofetil cũng được sử dụng.
     - Các bệnh nhân viêm da cơ địa dễ bị nhiễm tụ cầu vàng và herpes (gây nên bệnh cảnh eczema herpeticum), cần điều trị các tác nhân này bằng kháng sinh, kháng virus khi có biểu hiện.
     - Ngoài ra, có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng.
Viêm da cơ địa ở trẻ lớn với biểu hiện điển hình là khô da, dày da lichen hóa  ở các nếp gấp (cổ, khuỷu tay). Nguồn ảnh: Bs. Trần Thị Thanh Huyền,  Bệnh viện Da liễu Trung ương
Share:

Bệnh viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa(Atopic Dermatitis-AD) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính…. Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát.
 Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời. Chẩn đoán bệnh không khó khăn, dựa trên các triệu chứng lâm sàng, nồng độ IgE  trong máu thường tăng cao.
            Dịch tễ học:
            - Tỷ lệ hiện mắc: Hiện nay, chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hiện mắc viêm da cơ địa ở Việt Nam. Theo một số báo cáo ở các nước khác, tỷ lệ khoảng 7-20% [1, 2, 3, 4]. Theo báo cáo của phòng khám Viện Da liễu quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám [5].
            - Tuổi phát bệnh:  thường vào hai tháng đầu, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.
- Về giới không khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ, có một vài báo cáo nam mắc nhiều hơn nữ.
- Yếu tố di truyền, gia đình cho thấy 60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh.             
             - Các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: các dị nguyên trong không khí như  các chất thải của rệp nhà, len dạ... Ngoại độc tố của tụ cầu trùng vàng (Staphylococus aureus) đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T limphô và đại thực bào. Dị ứng nguyên nội sinh (endogenous antigens): trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc T limphô đáp ứng viêm. Thức ăn: Một số thức ăn cũng có thể làm vượng bệnh như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ…
            - Các yếu tố khác làm phát bệnh hoặc bệnh nặng lên, đó là giảm chức năng của hàng rào bảo vệ của da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da. Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè. Đồ len dạ của trẻ, của bố mẹ và thậm chí đồ này của chó mèo, đồ thảm hoặc đệm giường cũng làm cho bệnh nặng lên.
            Biểu hiện lâm sàng
-         Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình. 
-         Biểu hiện bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.
-         Giai đoạn mạn tính da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
             Triệu chứng bệnh: khô da, ban đỏ- ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa... Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen. Các biểu hiện bệnh lý như chứng vẽ nổi (dermographism), bệnh vẩy cá thông thường, dày sừng nang lông…có thể gặp trên bệnh nhân viêm da cơ địa.
            Vị trí hay gặp mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
            Tiến triển:
Không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm. Khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.
Chẩn đoán:
Hiện nay có một số tiêu chuẩn chẩn đoán viêm da cơ địa được đưa ra, chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980). Để chẩn đoán viêm da cơ địa cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính + ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.
4 tiêu chuẩn chính:
1. Ngứa (Itching).
2. Viêm da mạn tính và tái phát (Chronic or chronically relapsing dermatitis).
3. Hình thái và vị trí thương tổn điển hình (Typical distribution and morphology of AD rash).
- Trẻ em: Chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi.
- Trẻ lớn và người lớn: Dày da, Lichen vùng nếp gấp.
4. Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng (Personal or family history of atopic diseases) như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
Các tiêu chuẩn phụ:
1. Khô da (Dry skin).
2. Viêm môi (cheilitis).
3. Đục thủy tinh thể ( Anterior subcapsular cataract).
4. Viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát.
5. Mặt: Đỏ, tái.
6. Dị ứng thức ăn (Food intolerance).
7. Chàm ở bàn tay (Hand eczema).
8. IgE tăng (Elevated IgE levels).
9. Phản ứng da tức thì týp 1 dương tính (Immediate skin test type 1 reactivity).
10. Dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát.
11. Ngứa khi ra mồ hôi (Itching on sweating).
12. Vẩy phấn trắng (Pityriasis alba).
13. Chứng vẽ nổi (Dermographism).
14. Giác mạc hình chóp (Keratoconus).
15. Các thương tổn khác giống dày sừng nang lông (Other like Keratosis Pilaris),
16. Tuổi phát bệnh sớm
17. Chàm núm vú
18. Nếp dưới mắt Dennie- Morgan
19. Quầng thâm quanh mắt
            Điều trị:
- Tư vấn cho người bệnh tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Đồng thời cho các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như  đề cập ở trên. Tư vấn cho bố mẹ bệnh nhân không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.
            Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thày thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân. Tuỳ theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà cho thuốc bôi phù hợp.
- Viêm da cơ địa cấp tính: cần đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticoit+ kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm. Kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa.
- Viêm da cơ địa bán cấp và mạn tính được điều trị bằng các thuốc sau:
            + Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem.
            + Thuốc corticosteroid: rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài, do vậy cần có chỉ định chặt chẽ.
            + Các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus có thể thay thế corticosteroid mà không gây các tác dụng phụ như thuốc này và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.
            + Uống kháng histamin chống ngứa.
            + Một số trường hợp nặng có thể uống corticoid, nhưng cần có chỉ định chặt chẽ của thày thuốc.
            + Các phương pháp điều trị khác: UVA, UVB, các thuốc như cyclosporin...
            Phác đồ điều trị một bệnh nhân viêm da cơ địa:
            - Chống khô da bằng các thuốc dưỡng ẩm.
            - Điều trị bằng bôi corticosteroid trong thời gian ngắn, sau đó duy trì bôi tacrolimus + dưỡng ẩm thời gian dài để tránh tái phát bệnh.
            - Chống nhiễm tụ cầu bằng thuốc kháng sinh bôi hoặc uống.
            - Kháng histamin chống ngứa.
Share:

BTemplates.com

Được tạo bởi Blogger.